Châu Âu là thị trường có nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu cà phê. Các thị trường có giàu cơ hội nhất đặc trưng bởi tổ hợp các đặc điểm tích cực, bao gồm: lượng nhập khẩu với tỷ trọng lớn là nguồn nhập khẩu trực tiếp từ các nước sản xuất, các nhà cung cấp khác nhau, vai trò của họ là các nhà phân phối cà phê nhân xanh và thị trường cà phê đặc sản ngày càng phát triển. Đức, Ý và Bỉ là các thị trường cần chú ý nhất đối với các nhà xuất khẩu nhân xanh. Trong khi các thị trường như Pháp, Tây Ban Nha và Anh cũng rất hấp dẫn. Các thị trường Đông Âu nhỏ hơn và có ít mối liên hệ trực tiếp hơn với các nước sản xuất cà phê nhưng đang tăng trưởng nhanh.
Đức là thị trường cà phê quan trọng nhất châu Âu trên khắp các phân khúc sản phẩm
Đức là nước nhập khẩu cà phê nhân xanh lớn nhất châu Âu. Năm 2018, nhập khẩu cà phê nhân xanh của Đức đạt 1,1 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ Euro, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu cà phê trực tiếp từ các nước sản xuất cà phê. Trung bình giai đoạn năm 2014 – 2018, nhập khẩu cà phê nhân xanh của Đức ổn định về lượng nhập khẩu nhưng giá trị nhập khẩu giảm 3%, chủ yếu do giá cà phê giảm. Phần lớn cà phê nhập khẩu vào Đức qua cảng Hamburg. Các cảng Bremen và Bremerhaven cũng là các điểm thông quan quan trọng của cà phê.
Là một trung tâm thương mại quan trọng tại châu Âu, Đức đóng vai trò rất quan trọng trong tái xuất cà phê. Năm 2018, Đức tái xuất 362.000 tấn cà phê nhân xanh, chiếm tới 53% tổng kim ngạch tái xuất cà phê của châu Âu. Tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đức tăng trung bình 2,9%/năm trong giai đoạn 2014 – 2018. Về giá trị, xuất khẩu cà phê tăng 1,1%/năm, đạt 892 triệu Euro vào năm 2018. Các thị trường đích tái xuất cà phê chính của Đức là Ba Lan (25%) và Mỹ (22%). Là nước nhập khẩu cà phê lớn nhất tại châu Âu, Đức là thị trường đích tiềm năng cho các nhà xuất khẩu với nhiều phân khúc chất lượng và nguồn gốc đa dạng, và sẽ được rang tại Đức hoặc tái xuất sang các thị trường khác.
Đức cũng là thị trường tiêu dùng cà phê lớn nhất tại châu Âu về lượng. Năm 2018, thị trường Đức chiếm 26% tổng tiêu dùng cà phê của châu Âu, lên tới 367.000 tấn cà phê xanh và hòa tan. Tiêu dùng cà phê trên đầu người của Đức không nằm trong top cao nhất châu Âu nhưng cũng đạt trung bình 5,5 kg/người/năm, vẫn cao hơn so với mức tiêu thụ cà phê trung bình trên đầu người tại châu Âu là 5,1 kg/người/năm. Là thị trường quán cà phê lớn thứ hai tại châu Âu, sau Anh, Đức mang đến nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu cà phê chất lượng cao.
Ngành rang cà phê nổi tiếng tại Ý
Ý là thị trường cà phê lớn thứ 3 tại châu Âu, chiếm 11% tổng tiêu dùng cà phê châu Âu với mức 151.000 tấn cà phê nhân xanh và cà phê hòa tan vào năm 2018. Cà phê là một phần không thể thiếu trong văn hóa Ý, nơi tiêu dùng cà phê trên đầu người đạt 5,9 kg/người/năm.
Ý sở hữu một ngành rang cà phê rất mạnh. Các nhà rang cà phê lớn như as Lavazza, Segafredo và Illy, xuất khẩu một lượng lớn các loại cà phê phối trộn từ Ý tới các thị trường trên khắp châu Âu và Mỹ. Xuất khẩu cà phê rang của Ý năm 2018 lên tới 221.000 tấn, trị giá 1,4 tỷ USD. Lượng xuất khẩu cà phê Ý tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,4%/năm và giá trị tăng trưởng với tốc độ 6%/năm trong giai đoạn 2014 – 2018. Ý là nước xuất khẩu cà phê rang lớn thứ 2 tại châu Âu, sau Đức, tạo ra nhu cầu lớn cho các nhà sản xuất cà phê toàn cầu, đặc biệt là với những nhà sản xuất có thể đáp ứng các yêu cầu quy định cho ngành cà phê espresso.
Ý là nước nhập khẩu cà phê nhân xanh lớn thứ 2 tại châu Âu, chỉ đứng sau Đức. Năm 2018, nhập khẩu cà phê nhân xanh Ý đạt lượng 606.000 tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 3,2%/năm về lượng và 3,4%/năm về giá trị trong giai đoạn 2014 – 2018. Ý nhập khẩu một tỷ trọng tương đối lớn cà phê Robusta, thường được dùng làm nền trong các công ty phối trộn pha espresso. Cà phê nhân xanh chủ yếu nhập khẩu vào Ý qua cảng Trieste và Genoa.
Bỉ là trung tâm thương mại cà phê tại châu Âu
Bỉ là nước nhập khẩu cà phê nhân xanh trực tiếp từ các nước sản xuất lớn thứ 3 tại châu Âu, chiếm thị phần 8,7%. 98% tỷ trọng nhập khẩu cà phê nhân xanh của Bỉ mua trực tiếp từ các nước đang phát triển trong năm 2018, đạt 276.000 tấn, trị giá 606 triệu Euro. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cà phê nhân xanh trung bình giai đoạn 2014 – 18 của Bỉ là 2%/năm về lượng nhưng giá trị nhập khẩu chỉ tăng nhẹ 0,6%/năm trong cùng kỳ.
Là một trong những trung tâm thương mại chính của cà phê tại châu Âu, Bỉ chỉ đứng sau Đức về tái xuất cà phê nhân xanh. Với 216.000 tấn cà phê nhân xanh tái xuất, Bỉ chiếm 32% tổng kim ngạch tái xuất cà phê nhân xanh trong năm 2018 tại châu Âu. Bỉ chủ yếu tái xuất sang các nước láng giềng, với Hà Lan chiếm 60% tỷ trọng tái xuất cà phê từ Bỉ trong năm 2018. Các nhà nhập khẩu cà phê Hà Lan chuyên về cà phê và quy mô lớn thường sử dụng các cảng của Bỉ để vận hành. Các thị trường tái xuất cà phê chính của Bỉ là Pháp (22%) và Đức (5,5%).
Vai trò quan trọng của Bỉ là một nhà nhập khẩu và tái xuất cà phê chủ yếu dựa vào năng lực kho bãi của cảng Antwerp. Đây là nơi có công suất kho bãi cà phê lớn nhất thế giới, lên tới 250.000 tấn trong một thời điểm nhất định. Cảng Zeebrugge là một điểm thông quan cà phê khác, cung cấp dịch vụ nhà kho kiểm soát nhiệt độ hiện đại và một sàn phân phối cà phê nhân xanh khắp châu Âu bằng đường bộ, đường sắt và đường thủy.
Các thị trường cà phê quan trọng khác tại châu Âu
Các nước Đông Âu đang là các thị trường cà phê rất tiềm năng cho các nhà xuất khẩu. Tiêu dùng cà phê tại Đông Âu vẫn thấp hơn nhiều so với Tây Âu nhưng các chuyển dịch trong tiêu dùng cà phê tại khu vực này rất đáng chú ý. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Ba Lan – nơi các quán cà phê đặc sản đang tăng nhanh. Cà phê đặc sản cũng thu hút sự chú ý tại các thị trường khác trong khu vực này, như tại Romania và Bulgaria, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng cà phê Đông Âu tới chất lượng và các loại cà phê.
Khu vực này chiếm tỷ trọng tương đố inhỏ trong cơ cấu nhập khẩu cà phê của châu Âu nhưng nhập khẩu cà phê tại phần lớn cà nước Đông Âu tăng trong giai đoạn 2014 – 2018. Nước nhập khẩu cà phê lớn nhất khu vực là Ba Lan, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cà phê hàng năm về lượng là 12%/năm trong cùng giai đoạn, theo sau Bulgaria, Slovenia và Séc với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,7%/năm, 22%/năm và 3,4%/năm.
Pháp, Tây Ban Nha và Anh là các thị trường thú vị khác cho các nhà xuất khẩu. Các thị trường này đều có cơ sở khách hàng lớn, tỷ trọng nhập khẩu trực tiếp cà phê từ các nước sản xuất ở mức cao: Pháp là 8,2%, Tây Ban Nha là 6% và Anh 5,4%. Trong số các nước này, Pháp chiếm 12% tổng tiêu dùng cà phê châu Âu, theo sau là Anh (6,7%) và Tây Ban Nha (5,7%).
Về khía cạnh tiêu dùng trên đầu người, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Iceland và Đan Mạch cũng là các thị trường tiềm năng bởi có mức tiêu dùng cà phê trên đầu người cao nhất châu Âu. Về chát lượng, các thị trường Bắc Âu có tỷ lệ sử dụng cà phê chất lượng cao cao hơn so với Đông và Nam Âu – nơi có lượng cà phê tiêu thụ cao hơn nhưng chất lượng cà phê thường thấp hơn.
Theo CB