Vậy, việc phát triển cà phê đặc sản nước ta về chiến lược sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt và cà phê đã được cấp chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.
Nền tảng của cà phê đặc sản
Thực tế trong nhiều thập niên qua, trên thị trường cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam chỉ có tiếng về sản lượng, chứ về chất lượng chưa được thừa nhận. Vì vậy, việc chú trọng phát triển cà phê đặc sản được xem là một nhu cầu cấp bách, tất yếu để Đắk Lắk thật sự trở thành “điểm đến của cà phê thế giới”.
Để nâng tầm cà phê Việt Nam trên trường quốc tế, khâu sản xuất nguyên liệu được xem là vô cùng quan trọng. Muốn sản phẩm cà phê chế biến đạt chất lượng thì hạt cà phê đầu vào cũng phải đạt yêu cầu và theo chuỗi chế biến sâu: chất lượng nguồn nguyên liệu (chú trọng thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch), cần chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến châu Âu, chế biến phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cộng với công thức rang, xay, pha chế đáp ứng được nhu cầu người dùng cà phê trên thế giới,…
Ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ về chiến lược đầu tư và phát triển cà phê đặc sản
Ông Nguyễn Xuân Thắng – Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn An Thái – chia sẻ: “Trước thách thức và yêu cầu của thị trường, hướng đến sản xuất phát triển cà phê đặc sản, trước hết phải nâng cao nhận thức của người trồng cà phê. Hiện nay An Thái đang xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến sâu. Đó là chuỗi liên kết giữa các hộ nông dân để có nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ châu Âu, chế biến phù hợp tiêu chuẩn, giữ được chất lượng, hương vị cà phê, nhằm tạo ra các sản phẩm giá trị, đảm bảo nhu cầu an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, khẳng định được thương hiệu và phân khúc thị trường cao cấp, nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Buôn Ma Thuột…”.Nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cà phê đặc sản là một khái niệm được nhắc tới đầu tiên bởi nữ chuyên gia Erna Knutsen năm 1974 trên tạp chí Tea & Coffee Trade Journal. Bà sử dụng thuật ngữ này để miêu tả những hạt cà phê thơm ngon nhất và được sản xuất tại những vùng có khí hậu đặc biệt. Điều kiện cần để ra đời cà phê đặc sản phải đạt ≥ 80/100 điểm theo thang điểm (SCA/CQI); Mùi vị đầy đủ; ít hoặc không có lỗi sơ cấp. Bên cạnh đó, để có thể đánh giá chất lượng của loại hạt cà phê trong quá trình kiểm định để thu mua, những chuyên gia cà phê sẽ tiến hành kiểm tra, phân loại với những tiêu chí chính như: Thổ nhưỡng, địa điểm gieo trồng, cách thức chăm bón cây cà phê, cách thức thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, phân loại, thử nếm.
Ông Tom Just Mann – Chuyên gia nghiên cứu chế phẩm kháng hạn cho cây cà phê – đến từ Mỹ đã tham quan hội chợ và trao đổi kiến thức về nhu cầu cà phê an toàn cho người tiêu dùng
Tại Hội thảo phát triển cà phê đặc sản, ông Tom Just Mann – chuyên gia đến từ Mỹ bộc bạch: “Tôi chuyên về nghiên cứu chế phẩm kháng hạn cho cây cà phê. Cà phê trồng mỗi nơi có một hương vị khác nhau và cà phê Buôn Ma Thuột có một hương vị rất đặc biệt. Chúng tôi ủng hộ chiến lược phát triển cà phê đặc sản của các bạn, vì nhu cầu của thị trường thế giới là cà phê sạch, không độc hại. Với thực hiện quy trình theo chuỗi sản xuất cà phê đặc sản, tôi tin cà phê Buôn Ma Thuột hoàn toàn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới”.
Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam là định hướng nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là xây dựng chuỗi sản xuất chế biến cà phê nhân hình thành dựa trên sự liên kết giữa người trồng, thu gom, sơ chế và các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cà phê nhân. Ngoài ra, còn có nhà cung cấp nguyên/nhiên vật liệu, cung ứng tiêu thụ sản phẩm, phụ phẩm, các dịch vụ quản lý, khoa học công nghệ thị trường,… Nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, cải tiến trong thu hái, bảo quản và chế biến sâu, phát triển thi trường trong và ngoài nước đang là hướng phát triển bền vững cho ngành cà phê Việt Nam.