Phát triển thương hiệu xuất khẩu để cà phê Đắk Lắk vươn xa

Đến nay, cà phê của tỉnh đã xuất đi hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, để giá trị hạt cà phê được nâng cao trên thương trường quốc tế đầy cạnh tranh khốc liệt thì doanh nghiệp (DN) cần đặc biệt chú trọng phát triển thương hiệu sản phẩm.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú, cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Đắk Lắk nói riêng vẫn chưa tạo ra được giá trị gia tăng tương xứng, trong đó có yếu tố do chưa phát triển thương hiệu cà phê xuất khẩu. Thực tế nhiều năm qua, Cà phê Buôn Ma Thuột đã khẳng định chất lượng, có sản lượng cao nhưng trên thương trường quốc tế vẫn chưa được nhiều người dùng biết đến.

Hơn 20 năm trong nghề xuất khẩu cà phê, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn An Thái nhìn nhận, chất lượng Cà phê Buôn Ma Thuột tự tin sẽ đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính và trong tương lai sẽ còn đi xa hơn nữa. Do đó, vấn đề đặt ra cho DN là tập trung nghiên cứu thị trường, phát triển thương hiệu phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có, DN đã chú trọng đầu tư công nghệ, đa dạng sản phẩm để mang lại hiệu quả cao hơn nữa đối với sản phẩm cà phê chế biến sâu xuất khẩu của An Thái.

Khách hàng tham quan các sản phẩm cà phê buôn ma thuột tại gian hàng An Thái trong mùa lễ hội năm 2019

Người tiêu dùng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê bột tại Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, sản phẩm chưa phát triển thương hiệu thì khó có thể đi xa được. Chính vì vậy, DN đặt ra mục tiêu đưa hệ thống phân phối vượt qua con số hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ như hiện có để sang những thị trường mới, đông dân như Ấn Độ và tiếp tục tiến sâu vào những thị trường khó tính, ở phân khúc cao cấp như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… Để làm được điều đó, trong năm nay, DN sẽ thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đầu tư dây chuyền công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển thương hiệu để tiếp cận các thị trường. Tuy nhiên, việc làm này không chỉ trong “ngày một ngày hai” và bản thân DN cũng rất cần sự hỗ trợ của từ phía nhà quản lý.

Về vấn đề này, thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã tập trung nhiều nguồn lực phát triển cà phê theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để khai thác và phát triển ngành cà phê ở địa phương. Cụ thể như đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết trong cùng ngành hàng, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu… Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm cà phê, nhất là sản phẩm có chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột. Đồng thời, tăng cường giao thương với các nhà rang xay trong nước nhằm nâng cao hệ thống nhận diện, quảng bá thương hiệu…

Đặc biệt, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với tỉnh Đắk Lắk chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, tạo ra cà phê đặc sản; mời chuyên gia trong nước và quốc tế cùng xây dựng thương hiệu cho cà phê đặc sản; hình thành sản phẩm có giá trị gia tăng, chất lượng cao để xuất khẩu bằng thương hiệu Việt
BBT ATG trích từ baodaklak