An Thái Việt Nam sẻ chia với người neo đơn tại phường Tự An

An Thái Việt Nam sẻ chia với người neo đơn tại phường Tự An

An Thái Việt Nam hy vọng sẽ có nhiều hơn những cánh tay, cùng nhau chia sẻ với những mảnh đời khó khăn trên cả nước. Đằng sau những tất bật, hối hả của cuộc sống thường ngày, ở đâu đó vẫn còn những con người biết sẻ chia yêu thương với những phận đời neo đơn, bệnh tật. Sự chia sẻ có thể là những món quà nhỏ, giá trị không cao, song lại là vô giá đối với người nhận nó. 

Cuộc đời lam lũ vì gánh mưu sinh, đến nay đã gần bước sang tuổi 70, ông Âu Văn Quyền, thôn Ea My, xã Ea Sin (huyện Krông Buk) mới thoát được cảnh mái nhà tạm bợ. Cuộc sống của vợ chồng già vốn đã khó khăn, lại thêm gánh nặng về bệnh tật của vợ, khiến ông Quyền phải xoay xở đủ đường để trang trải cuộc sống và thuốc thang cho vợ. Cám cảnh trước hoàn cảnh chồng già, vợ bệnh tật, năm 2014, ban tự quản thôn Ea My đã vận động và cùng bà con trong thôn tùy khả năng, điều kiện mà tự nguyện đóng góp tiền của, công sức giúp đỡ ông bà. Ông Hoắc Công Vằng, Trưởng thôn Ea My cho biết, gia đình ông Quyền thuộc diện đặc biệt khó khăn, vợ ông thường xuyên ốm đau, cuộc sống rất thiếu thốn, lại ở trong ngôi nhà tạm bợ…, nên khi vận động đóng góp, người dân trong thôn ai cũng đồng tình. Người có điều kiện thì góp tiền 500 ngàn hoặc 1 triệu đồng, người thì góp công sức, cộng với một ít tiền dành dụm được, chỉ trong một thời gian ngắn, ông Quyền đã hoàn thành ngôi nhà xây kiên cố, rộng khoảng 30 m2– người dân nơi đây gọi là ngôi nhà tình làng nghĩa xóm. Chưa hết, người dân trong thôn còn tặng gia đình ông nhiều đồ gia dụng xoong, nồi, chảo… nhằm tạo thêm thuận lợi cho ông bà trong nếp sinh hoạt hằng ngày. Ông Quyền bộc bạch, trước đây, vợ chồng ông ở trong căn chòi ngoài rẫy cà phê, cách khu vực đông dân khoảng 2 cây số, bà nhà lại bệnh tật quanh năm, hễ có việc gì nửa đêm không biết trông nhờ vào ai. Từ khi được bà con lối xóm góp tiền, góp công xây cho căn nhà mới ở khu vực đông dân, ông cảm thấy rất yên tâm, không lo nhà dột cột xiêu như trước đây nữa…

AnThaiGroup-se-chia-voi-nguoi-neo-donĐại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái trao quà tặng người neo đơn tại phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột)

Còn tại phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột), từ năm 2008 đến nay, cứ khoảng ngày 10 hằng tháng, những người neo đơn, không nơi nương tựa ở phường lại tập trung về trụ sở UBND phường để nhận nhu yếu phẩm hỗ trợ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái. Hơn 7 năm qua, An Thái Việt Nam với mong muốn sẻ chia cùng người neo đơn, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, từ nguồn quỹ phúc lợi xã hội, Công ty đã hỗ trợ các trường hợp trên với số tiền gần 130 triệu đồng.

Tới thăm nhà cụ Nguyễn Thị Mai (tổ dân phố 3), năm nay đã hơn 80 tuổi trong căn phòng lụp xụp chỉ rộng chừng 10 m2, cụ Mai cho biết, mấy năm trở lại đây, tháng nào cụ cũng được nhận 1 bao gạo loại 10 kg, dầu ăn, nước mắm và các loại nhu yếu phẩm khác từ Công ty (nhân viên của phường mang đến tận nhà, do cụ tuổi già sức yếu không đi nhận được). Cụ cảm ơn phường và Công ty nhiều lắm. Được biết, cụ Mai là người neo đơn, không người thân thích, cuộc sống hằng ngày nhờ vào đồng lương chế độ công nhân cầu đường trước đây, còn lúc trái gió trở trời, bệnh người già tái phát thì lại phải nhờ bà con lối xóm. Để có thêm tiền thuốc men, cụ bán mấy đồ vặt như gói mì, thuốc lá, bánh tráng, ai thương tình thì mua ủng hộ cụ. Tương tự cụ Mai, các cụ: Nguyễn Thị Muỗm, tổ dân phố 5 (91 tuổi), Lê Thị Năm, tổ dân phố 1A (79 tuổi), Đàm Thị Cúc, tổ dân phố 9 (87 tuổi)… cùng chung hoàn cảnh neo đơn, gia đình đặc biệt khó khăn cũng được nhận sự hỗ trợ suốt đời từ Công ty. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Tự An cho biết, hiện phường có trên 1.000 cụ cao tuổi, trong đó có 12 cụ neo đơn, không nơi nương tựa, cuộc sống vô cùng khó khăn, được Công ty hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm từ năm 2008 đến nay.

An Thái Việt Nam hy vọng với tấm lòng yêu thương, sự đồng cảm của những nhà hảo tâm sẽ luôn lan tỏa rộng, để trong cuộc sống, nhiều mảnh đời đơn chiếc, bất hạnh lúc tuổi già xế bóng luôn có nơi nương tựa và vơi bớt khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

Phạm Hoàng

Nguồn: baodaklak.vn