Ông chủ An Thái với tư duy đón đầu khó khăn và đi trước thị trường.
Không công bố doanh thu. Không bàn đến lợi nhuận. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Tập đoàn An Thái đã giao ước ngay khi bắt đầu buổi trò chuyện. “Con heo mập là con heo chết trước”, ông nhắc lại câu ngạn ngữ Trung Hoa, giọng có phần chiêm nghiệm.
Sự kín tiếng của vị doanh nhân gốc Nghệ An là lý do không nhiều người biết rằng An Thái hiện là đơn vị nội địa xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất Việt Nam. Hiện An Thái có 4 nhà máy sản xuất cà phê hòa tan đạt công suất 4.000 tấn/năm. Sản lượng này đã tăng 8 lần so với thời điểm 2005, năm đầu tiên Công ty chính thức đi vào sản xuất cà phê hòa tan.
Ông Nguyễn Xuân Hùng – Chủ tịch Tập đoàn An Thái
Bản lĩnh người kỹ sư
Cà phê hòa tan của An Thái sử dụng công nghệ Ý với tỉ lệ nội địa hóa khoảng 70%. Cụ thể, ông Hùng chỉ nhập phần lõi dây chuyền sản xuất. Quyết định táo bạo này giải quyết cùng lúc 2 vấn đề, ngắn hạn lẫn dài hạn.
Trong ngắn hạn, quyết định này cho phép An Thái tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu và chỉ phải đầu tư khoảng 6 triệu USD so với 20 triệu USD nếu nhập từ A-Z.
Về dài hạn, chủ trương nội địa hóa còn giúp An Thái tránh được việc phải thuê chuyên gia nước ngoài vận hành hệ thống với mức lương khủng. “Với lợi thế biết chế tạo máy và học về cơ khí, cũng như có nhiều bạn bè trong ngành này nên tôi tự tin có thể chế tạo những phần còn thiếu và lắp ráp, vận hành dây chuyền trơn tru”, ông Hùng – An Thái Group cho biết.
Dù vậy, ông chủ An Thái và các cộng sự cũng mất khoảng 3 năm để dây chuyền sản xuất vận hành ổn định. Trước đó, ông còn bỏ ra hơn 1 năm để tiếp xúc và tạo dựng lòng tin với những nhà cung ứng thiết bị hàng đầu thế giới. Kiến tha lâu đầy tổ. Vốn có nền tảng về chế tạo máy và tu nghiệp kỹ sư ở Tiệp Khắc, ông Hùng lặng lẽ khai thác và tích lũy tri thức từ những đối tác của mình. “Sau khi nắm được công nghệ, chúng tôi mới thương thảo chỉ để mua phần lõi dây chuyền sản xuất. Đó là giải pháp giúp An Thái phát triển cho việc thiếu vốn đầu tư ban đầu”, ông nói.
Ðây không phải là lần đầu tiên mà vị doanh nhân xứ Nghệ phải giải quyết bài toán vốn. Năm 1992, khi rời môi trường nhà nước, thiếu vốn cũng là yếu tố khiến ông chọn ngành nghề thích hợp. “Tôi quyết định tham gia lĩnh vực phân phối hàng nhu yếu phẩm sau khi thuyết phục nhà cung ứng cho phép trả chậm. Thị trường 4 tỉnh Tây Nguyên khi đó dù rất tiềm năng nhưng ít người nhòm ngó bởi giao thông khó khăn. Hàng hóa qua tay tôi được phân phối đến người tiêu dùng thông qua hệ thống xe bán hàng lưu động”, ông Hùng kể lại. Đặt chữ tín lên hàng đầu, công ty ông nhanh chóng vươn lên thành nhà phân phối lớn nhất khu vực Tây Nguyên thời ấy.
Không lâu sau đó, tỉ suất lợi nhuận hấp dẫn đã khiến cho nhà cung ứng nhảy vào thị trường phân phối. Các đại lý nhỏ cũng chen chân vào mạng lưới này, thay vì chỉ nhập hàng của An Thái như trước. “Miếng bánh bị chia nhỏ là bất khả kháng”, ông Hùng thừa nhận quy luật tất yếu của nền kinh tế.
Theo ông, phân phối không thể bền vững khi phụ thuộc vào nhà sản xuất. Hệ thống phân phối truyền thống trước sau gì cũng bị thay thế bởi hệ thống phân phối hiện đại và chuyên nghiệp, ví dụ như các chuỗi cửa hàng, siêu thị và trung tâm mua sắm.
Biết không đủ thực lực để cạnh tranh trực tiếp với các nhà phân phối nước ngoài, An Thái quyết định lấn sân sang chế biến, gầy dựng nhà máy cà phê bột bên cạnh việc duy trì hệ thống phân phối lẻ. Cũng nhờ mạng lưới phân phối xây dựng từ trước nên cà phê bột thương hiệu An Thái đã được cung ứng đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Vòng xoáy trôn ốc
“Rất ít quốc gia uống cà phê pha bằng phin. Đó là lý do cà phê bột chỉ phục vụ nhu cầu trong nước chứ không xuất khẩu được”, ông Hùng – An Thái group nói. Trong khi đó, mảng chế biến cà phê hòa tan mới là lĩnh vực sản xuất mà nhiều nước muốn hướng đến, vì loại cà phê này có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, trước khi An Thái làm cà phê, tại Việt Nam chỉ có tập đoàn đa quốc gia Nestlé và Vinacafé Biên Hòa sản xuất cà phê hòa tan. Nhận diện tiềm năng của thị trường, An Thái bước chân vào lĩnh vực sản xuất cà phê hòa tan. Loại sản phẩm này có hàm lượng tinh cà phê đến 70%, trong khi cà phê bột chỉ có 20% tinh cà phê. Công nghệ chế biến cà phê hòa tan cũng phức tạp hơn cà phê bột.
Rồi đến lúc Công ty cũng phải đứng trước nguy cơ chia thị phần cho các đối thủ, khi tại Việt Nam đang có thêm nhiều nhà sản xuất cà phê hòa tan có vốn đầu tư nước ngoài như Olam hay cà phê Ngon. “Cà phê thương phẩm là một lựa chọn phù hợp vì An Thái có lợi thế nguyên liệu đầu vào là cà phê hòa tan”, ông Hùng phân tích.
Sự dấn thân vào cà phê thương phẩm đánh dấu bước tiến mới trong vòng xoáy trôn ốc của mảng sản xuất cà phê ở An Thái: từ cà phê bột sang cà phê hòa tan An Thái 3in1, TITA 3in1, rồi cà phê thương phẩm.
Theo ông Hùng – An Thái Group các loại cà phê thương phẩm như cà phê sữa 3 trong 1, cà phê lon, bánh kẹo, thực phẩm hương cà phê, để chế biến từ cà phê hòa tan sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Hiện tại, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 30% sản lượng xuất khẩu của An Thái. Đó là lý do Công ty mở chi nhánh phân phối cà phê thương phẩm tại Quảng Châu vào đầu năm nay. Ðây cũng là bước đi trong kế hoạch đầu tư nhà máy cà phê thương phẩm của An Thái tại quốc gia này. Trung Quốc nổi tiếng sao chép công nghệ. Liệu đó có phải là rủi ro? “An Thái nắm chặt cà phê hòa tan, đầu vào mà họ không thể tự sản xuất được”, ông Hùng bình thản trả lời.
Theo NCĐT